Giới thệu cá Betta - Một loài cá đẹp

đưa vào giỏ hàng

Giới thệu cá Betta - Một loài cá đẹp

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Cá Betta (Betta splendens) là giống cá kiểng có hình dạng giống cá lia thia nhưng màu sắc phối trộn rực rỡ hơn nhiều. Phong trào chơi cá Betta hay còn được biết đến với các tên gọi khác như cá Xiêm, cá chọi… đã có từ rất xa xưa, hiện nay thú chơi này càng phát triển mạnh mẽ với rất nhiều giống cá mới được lai tạo hay du nhập từ nước ngoài, kéo theo vô số người yêu thích và nuôi dưỡng loài cá xinh đẹp này. Tuổi thơ những thế hệ 7X, 8X ai chẳng từng một lần nuôi cá chọi (cá đá) hay cùng đám bạn chụm đầu reo hò quanh chiếc lọ thủy tinh để xem một trận thư hùng thực sự.

Tên Betta có nguồn gốc từ ikan bettah (một ngôn ngữ địa phương của Malaysia). Hiện có đến gần 70 loài cá Betta hoang dã phân bố ở khắp vùng Đông Nam Á đã được phát hiện và mô tả. Loài cá này được thuần dưỡng từ lâu đời ở Thái Lan với mục đích chiến đấu, sau đó lan ra khắp thế giới. Cá được thuần hóa từ triều đại Sukhothai cách nay khoảng 700 năm. Các văn bản vào thời trị vì của vị vua Lithai thuộc triều đại trên có đề cập đến việc đá cá bên lề các hoạt động thể thao. Có lẽ vì vậy mà nó được biết đến với cái tên là cá Xiêm. Màu sắc, hình dạng và kỹ năng của cá Betta hiện nay khác xa so với cá hoang dã. Cá thuần dưỡng đã du nhập vào nước ta từ cả trăm năm nay, nếu các bạn đọc bài “Thú chơi cá thia thia” của cụ Vương Hồng Sển thì sẽ thấy loài cá này đã xuất hiện ở nước ta từ hồi đầu thế kỷ hai mươi. Ngày nay, cá đá đã lan rộng và trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và cả các nước Âu - Mỹ, nhất là trong các cộng đồng có người châu Á sinh sống. 

Cá Betta trưởng thành dài khoảng 6 - 8 cm, gần đây người ta còn lai tạo được những giống cá Betta khổng lồ (giant bettas) dài trên 8 cm. Đây là loài cá cảnh có màu sắc sặc sỡ với bộ vây chảy dài tuyệt đẹp, trong khi màu sắc tự nhiên của cá Betta hoang dã chỉ là màu xanh lá cây tối và màu nâu với bộ vây tương đối ngắn. Do quá trình lai tạo màu sắc của chúng ngày càng đa dạng và bộ vây dài hơn.  Tất cả thành viên của chi Betta đều có một cơ quan phức tạp trên đầu cho phép chúng lấy oxy trực tiếp từ không khí, bổ sung cho nguồn oxy hấp thu bằng mang ở dưới nước. Nếu không tiếp xúc được với mặt nước, cá Betta sẽ bị "chết đuối". 

Cá Betta là loài ăn thịt, cấu tạo miệng của chúng hơi hếch lên trên rất phù hợp với việc kiếm ăn trên bề mặt. Trong tự nhiên, cá Betta chủ yếu ăn phiêu sinh vật, bọ gậy và một số ấu trùng. Nếu nguồn thức ăn dồi dào, cá Betta sẽ sống lâu hơn, màu sắc sặc sỡ hơn, các vây bị rách sẽ nhanh chóng liền lại. Vì vậy khi nuôi cá Betta thường cho ăn thức ăn sống như giun đỏ, bo bo, loăng quăng… Tuyệt đối không được cho chúng ăn thức ăn từ thực vật như viên thức ăn có bột ngũ cốc, có thể chúng sẽ chết.

Cá Betta từng được đặt biệt danh là "trang sức của Phương Đông" do màu sắc tuyệt đẹp của chúng qua nhiều quá trình lai tạo. Trong tự nhiên khi bị kích động cá Betta mới nổi màu rực rỡ. Còn cá thuần dưỡng hiện nay luôn có màu sắc mạnh mẽ như khi bị kích động, óng ánh, rực rỡ và thay đổi màu theo góc nhìn hay cường độ ánh sáng. 

Thông thường người chơi cá Betta chỉ chơi cá trống vì màu sắc và bộ vây lộng lẫy của nó, cá mái tuy có thể lai tạo được những cá thể màu sắc rực rỡ như cá trống nhưng bộ vây và thân hình thì không thể sánh bằng con trống.

Khi muốn tuyên chiến hay đe dọa một cá thể khác, cá Betta thường bành hai mang ra (có nơi gọi là xù) mầu mang đỏ thẫm làm cho chúng trông thật “ngầu” khiến cho đối phương thêm phần sợ hãi. Lúc đó trông nó thật uy nghi và dữ tợn. Kèm theo đó là hành vi căng vây và nghiêng người về phía đối phương, màu sắc có thể chuyển sang đen sậm ở phần đầu, bộ vây trở nên rực rỡ và lấp lánh.

Cá Betta thường tự đặt ra cho mình một lãnh thổ riêng ví dụ như một bụi cây thủy sinh hay một hốc đá nhỏ. Đôi khi sự sở hữu lãnh thổ ở mức rất cao, nó sẵn sàng đánh trả mọi kẻ xâm phạm. Thông thường cá Betta trống hung hãn hơn cá mái. Cá Betta mái thỉnh thoảng cũng phùng mang và thường không biểu hiện mãnh liệt như cá trống. Thỉnh thoảng hai con cá mái cũng đánh nhau nhưng thường thì chúng chỉ hăm dọa chứ không xông vào chiến đấu như cá trống, chúng chỉ thăm dò chứ không cương quyết đánh đuổi đối thủ. Cá trống thì hung hãn đến mức độ xung đột với chính hình ảnh của nó ở trong gương, vì vậy tốt nhất bạn không nên để gương trong bể nuôi cá Betta, nó có thể bị tổn thương do "chiến đấu" với hình ảnh của mình trong gương. Khi hai con cá Betta trống gặp nhau chúng chiến đấu rất ngoan cường, trận chiến chỉ kết thúc khi một con chịu thua và bỏ chạy. Chính vì tính hung hãn mãnh liệt vốn có, cá Betta đã trở thành một trò tiêu khiển của con người đặc biệt là các bạn trẻ.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI