Ứng phó với thiên tai

đưa vào giỏ hàng

Ứng phó với thiên tai

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, Vũ Trọng Thanh, - Khối lớp: 0

Trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21, Việt Nam là một trong 4 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ra các hiện tượng cực đoan như:

- Bão lụt
- Lũ quét, lũ ống
- Sạt lở đất
- Xâm nhập mặn
- Hạn hán.

Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước, tần suất tăng lên và cường độ mạnh hơn. Mỗi năm, thiên tai cướp đi mạng sống của hàng trăm người, gây thiệt hại hàng tỉ đô la và làm biến đổi môi trường sống.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng ta phải thường xuyên nắm bắt tin tức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Nhằm phòng tránh và hạn chế thiệt do bão lụt, ngoài việc liên tục cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, thủy văn, chúng ta phải tăng cường kiểm tra các hệ thống truyền tải điện và viễn thông; hệ thống đường giao thông thủy; hệ thống máy bơm, trạm bơm, gia cố đê diều, nạo vét kênh mương. Nhà cửa phải được xây dựng kiên cố. Không ra ngoài khi có mưa to, gió mạnh để tránh bị gió quật ngã hay cây đổ đè lên người. Nếu nhà ở không chắc chắn hoặc có nguy cơ nhập lụt, cần chủ động sơ tán đến các công trình cao và kiên cố. Tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản, tàu thuyền không được ra khơi khi có tin báo bão…

Bão lụt thường đi kèm với hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở miền núi và các khu vực ven sông. Để phòng tránh lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, tuyệt đối không xây dựng nhà ở tại những khu vực có nguy cơ cao như ven sông, ven suối, sườn đồi dốc, những nơi được cảnh báo về nguy cơ sạt lở hay bị xâm thực. Không đi qua sông, suối khi đang có lũ hoặc mưa lớn. Ở những vùng thường xảy ra mưa bão hay có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, cần trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm; thành lập các đội tìm kiếm, hỗ trợ cứu nạn nhằm kịp thời ứng phó khi xảy ra lũ lụt, sạt lở đất đá.

Đặc biệt, không được phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và cần nhanh chóng phủ xanh các vùng đồi trọc để hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở.
Trồng cây, gây rừng, nhất là rừng phòng hộ như rừng ngập mặn ven biển cũng là một trong những biện pháp góp phần ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán. Ngoài ra, để phòng tránh xâm nhập mặn và hạn hán có hiệu quả, cần tăng cường các hình thức tích trữ nước mưa, hạn chế việc khai thác nước ngầm quá mức, không theo quy hoạch; mặt khác  cần có kế hoạch lâu dài về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phương châm tiết kiệm nước, thích hợp với môi trường nước mặn, nước lợ, chịu được khô hạn; chuyển đổi những diện tích trồng lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc các loại cây trồng phù hợp.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI