Hiện vật khảo cổ học tiêu biểu thời đại kim khí của Việt Nam

đưa vào giỏ hàng

Hiện vật khảo cổ học tiêu biểu thời đại kim khí của Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Võ Quốc Khanh, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện năm 1959, ở làng Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 4 ngàn năm.  

Nét nổi bật, độc đáo trong văn hóa Phùng Nguyên là hiện vật bằng đá rất phong phú về loại hình như: công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức... Thời kỳ này, kỹ thuật chế tác đá đã đạt đến đỉnh cao. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí.

Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa tiếp nối văn hóa Phùng Nguyên. Nền văn hóa này có niên đại mở đầu vào khoảng thế kỷ 15 - 14 trước Công nguyên và chấm dứt vào thế kỷ 10 - 9 trước Công nguyên.

Người Đồng Đậu tiếp thu những kỹ thuật, thành tựu của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá và gốm thành bình, bát, nồi vò… Về chất liệu gốm, nếu gốm Phùng Nguyên có màu đỏ, màu hồng nhạt, thì gốm Đồng Đậu có màu xám và có độ nung cao hơn, nhưng về cơ bản vẫn mang yếu tố truyền thống là đất sét pha cát và bã thực vật.  

Về đồ đá, họ cũng biết làm rìu đá, đục đá, mũi lao xương, trang sức bằng đá, ngọc.  Tuy nhiên, đồ đá trong văn hóa Đồng Đậu không chau chuốt bằng đá Phùng Nguyên.

Văn hoá Gò Mun có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm, là nền văn hóa hậu kỳ thời đại đồng thau và tiền Đông Sơn  - sơ kỳ đồ sắt. Cư dân Gò Mun biết trồng lúa nước, sống phân bố ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Hiện vật văn hóa Gò Mun khá đa dạng về loại hình và chất liệu như: đồng, gốm và đá… Trong số đó, chủ yếu là các công cụ và vũ khí bằng đồng. Sự đa dạng về loại hình đồ đồng là yếu tố quan trọng phân biệt văn hóa Gò Mun và văn hóa Đồng Đậu. Ngoài công cụ sản xuất, vũ khí chiến đấu, cư dân Gò Mun còn chế tạo ra đồ trang sức làm bằng đồng thau.  
 
Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 - 2. Hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun), đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Đại Việt.   

Nghề luyện kim, đúc đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã phát triển và đạt đến trình độ nghệ thuật, tỷ lệ đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn chiếm tới gần 90% trong tổng số hiện vật được tìm thấy. Đỉnh cao trong kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn là việc chế tạo những chiếc trống đồng, thạp đồng. Hàng trăm chiếc trống đồng đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn chính là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động hình ảnh của nhà nước đầu tiên trong lịch sử nước ta: Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI