Nhà nước Văn Lang

đưa vào giỏ hàng

Nhà nước Văn Lang

Tác giả: Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Võ Quốc Khanh, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng. Vua chia nước ra làm 15 bộ. Hầu hết những người em của vua cai trị các bộ này. Họ được gọi là Lạc tướng và có quyền cha truyền con nối. Dưới các bộ là các công xã nông thôn, nơi có các Bố chính, tức là các già làng đứng đầu. Ngoài ra, Vua có một hàng ngũ quan chức để giúp mình trị nước. Các quan ấy được gọi là Lạc hầu. Các con trai của vua được gọi là Quan lang, còn con gái được gọi là Mị Nương.

Đời sống vật chất thời bấy giờ còn thô sơ, nhà sàn chủ yếu làm bằng gỗ, dệt cỏ làm chiếu, lấy vỏ cây làm áo. Ngày thường, đàn ông để trần mặc khố, phụ nữ mặc váy, vua quan thì có thêm áo hai mảnh.

Về đời sống tinh thần, có nhiều phong tục tập quán, lễ hội được định hình; nghệ thuật âm nhạc, đồ trang sức, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt đã đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao, Nghệ thuật Đông Sơn trở thành đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình thời Hùng Vương.

Thời Văn Lang - Hồng Bàng được gắn với nhiều truyện cổ dân gian có ý nghĩa như: Sự tích bánh chưng, bánh dày. Sự tích bánh chưng bánh dày cho thấy về chính trị, các vua Hùng đã có thể công khai tổ chức các cuộc thi để tìm người kế vị; về nông nghiệp, người Việt thời này đã phát triển kỹ thuật trồng lúa nước; về triết học, bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho quan niệm sơ khai về vũ trụ gồm trời tròn và đất vuông.  

Các truyện cổ dân gian khác như Phù Đổng Thiên Vương miêu tả tinh thần chống giặc ngoại xâm; Mai An Tiêm miêu tả sự khai phá vùng đất phía nam với giống hoa quả mới là dưa hấu; Sự tích trầu cau giải thích về tục ăn trầu, một phong tục cổ truyền của người Việt có từ thời Hùng Vương. Miếng trầu gồm có cau, lá trầu quết vôi, phụ thêm miếng vỏ cây chát, tất cả tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi…

Cùng với ăn trầu là tục nhuộm răng đen. Răng phải nhuộm đi nhuộm lại vài lần mới lên nước đen bóng; đàn ông nhuộm lại độ 1, 2 lần, còn phụ nữ mỗi năm nhuộm lại một lần, đến độ qua 30 tuổi thì không cần nhuộm lại nữa.

Một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình. Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái phần Hồng Bàng thị truyện chép rằng: Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.  

Dân nước Văn Lang xưa đã theo lệ thờ thần mặt trời. Mặt trời được xem như đấng thiêng liêng và có quyền năng hơn các vị thần khác. Hình ảnh này được lưu trên mặt trống đồng, một chứng tích văn hóa cổ đại của dân tộc Việt Nam.

Người Việt là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và sớm nhất, tín ngưỡng này gần như trở thành một tôn giáo: đó là Đạo ông bà. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất ở trong nhà.  Tín ngưỡng này đã  được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay!

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI