Di tích lịch sử Đền thờ Bà Triệu

đưa vào giỏ hàng

Di tích lịch sử Đền thờ Bà Triệu

Tác giả: Đặng Tùng, Nguyễn Minh Định, Phạm Viết Dần, Vũ Bá Tuấn, - Khối lớp: 0

Khu di tích đền Bà Triệu là công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô vào giữa thế kỷ thứ 3. Đây là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất ở tỉnh Thanh Hóa. Lúc khởi dựng vào thế kỷ thứ 6, đền chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đền nhiều lần được tôn tạo, tu sửa, được ban sắc phong và tổ chức tế lễ.

Toàn bộ khu đền thờ Bà Triệu hiện nay là một quần thể kiến trúc rộng gần 4 héc ha, nằm trên núi Gai, sát quốc lộ 1A, thuộc địa phận làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật nguyên bản quý hiếm như tượng Bà Triệu bằng đồng, 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam, 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán, ... cùng với một kho tàng các sự tích, huyền thoại, ca dao, tục ngữ gắn liền với cuộc đời Bà Triệu.

Năm 1979, Khu di tích đền Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đến năm 2014, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh này thêm một lần nữa khẳng định các giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan của quần thể di sản đền Bà Triệu,  gồm đền, lăng mộ và đình làng Phú Điền.

Lễ hội đền Bà Triệu cũng được duy trì suốt nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay. Chính hội diễn ra vào ngày 22 tháng 2 âm lịch hằng năm, cũng là ngày giỗ Bà Triệu. Vì làng Phú Điền tôn thờ Bà Triệu là Thành hoàng làng, nên lễ hội được tổ chức ở đền, đình và lăng mộ, đồng thời các nghi thức tế lễ cũng diễn ra ở ba địa điểm này.

Bên cạnh các nghi thức trang trọng của lễ tế, một trong những điểm nhấn hấp dẫn, thu hút nhất của lễ hội đền Bà Triệu là lễ rước bóng Vua Bà  (tức rước kiệu). Rước bóng là nghi thức đặc biệt quan trọng và linh thiêng trong lễ hội đền Bà Triệu, có sự tham gia của hầu hết quan viên, chức sắc, kỳ lão và nhân dân trong làng, trong vùng. Họ nối nhau theo hành trình đám rước từ đền, đến lăng, về đình. Sau khi cử hành các nghi lễ, đoàn rước kiệu sẽ quay trở lại đền và làm lễ yên vị.

Cùng với lễ rước kiệu là màn diễn Ngô, Triệu giao quân, tái hiện không khí xuất trận và chiến thắng của nghĩa quân Bà Triệu thuở nào. Bên cạnh đó, còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống, phổ biến trong nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Ngoài các nghi thức trên còn có lễ Mộc Dục diễn ra tại đền và đình Bà Triệu vào các ngày 18 và 19 tháng 2 âm lịch, do các ông từ chịu trách nhiệm thực hiện. Tiếp đó là tế Phụng nghinh, rất trang nghiêm và linh thiêng với thời gian tế kéo dài nửa ngày.

Các chủ đề được xem nhiều

HÃY ĐĂNG KÝ CÁC KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI